Dáng xưa…
*Truyện ngắn NGUYỄN-TƯ
Gần một năm rưởi Nha-trang vẫn không có gì đổi thay, căn nhà trọ cũ lại có thêm một số học sinh ở các tỉnh miền Trung vào trọ học. Thái tự thấy mình “già” hẳn đi dù chàng chỉ mới 20 tuổi. Suốt ngày Thái lang-thang ở bờ biển, nằm dưới các lùm cây phi-lao mà lòng buồn dễ sợ. Bạn bè cũ phần lớn đã đi làm, có đứa khá hơn thì vào Sàigòn học Đại-học. Thái không muốn học thêm nữa, dù hắn vẫn hiểu rằng, thời buổi này bằng cấp vẫn là điều kiện “ắt có và đủ” để giải quyết những bài toán tình cảm không tìm ra đáp số. Thái không muốn đọc một câu thơ của Nguyên-Sa mà mấy cậu học sinh mới đậu Tú-tài thời ấy rất hí-hửng: “Tôi mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã, với phong tục thói lề bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đỗ Tú-tài…!”.
Sau gần mấy tháng lang-thang, Thái bắt đầu nghĩ tới chuyện vào lính. Chàng phải làm một cái gì đó để có thể quên được mình. Thái không muốn phải nhớ hắn hoài, dù hắnđã tìm mọi cách để vỗ-về hắn cũng như tự lường gạt mình bằng những viên thuốc ngủđêm hôm. Những đứa con gái nơi Cư-xá - khu Thái cư ngụ đã lớn lên một cách bất ngờ, mà ít khi hắn nghĩ đến. Bà chủ nhà, nhiều khi cũng phải cực nhọc với hàng xóm về sự có mặt im-lìm của Thái trong khu cư xá này. Thái ăn mặc lèng-xèng chỉ với cái jeans bạc màu và sơ-mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần, dép Nhật, bất cần đời, hay đi chơi về khuya và ngủ ngoài hè, vì hắn muốn có một thứ tự do thoáng hơn. Ít ai biết Thái làm nghề nghiệp gì mà cứ lang-thang hoài, chỉ hay ra biển nằm dười các lùm dương một mình lànhiều, cạp bành mì trừ bữa, tóc tai bù-xù dù khuôn mặt hơi buồn, hơi điển trai theo kiểu “manly” ….Bà chủ nhà thì hay bị mấy bà hàng xóm rỗi công ưa tra hỏi, nên bà chủ nhà cứcố giải thích, ca ngợi…với chút lòng kiêu hãnh: “Coi vậy chứ Tú-tài 2 rồi đó nha!”vì hồi đó, Tú-tài đếm trên đầu ngón tay, nhất là trong Cư xá rất đông thanh niên nam nữ này, màchả ai chịu học hành gì, dù bố mẹ họ chỉ mong con họ đậu đươc cái bằng “Đít-lôm” để cócơ may xin làm Giáo viên trường làng cũng đã thỏa chí . Bọn con trai chỉ ăn chơi, cao bồi, nên không được lòng mấy bà già và mấy cô gái trang lứa con nhà tử tế cùng xóm nên họcò vẻ ganh tị với Thái, dù Thái chả tán tỉnh, liên hệ gì với ai cả…Điều này đôi khi, làm Thái bực bội, vì hắn không muốn ai “đụng” tới hắn hết, dù là lời tán dương …mà hắn chỉmuốn “lặng lẽ nơi này” như bản tính… sẽ nhẹ-nhàng hơn. …
Những buổi chiều, Thái hay ngồi dưới gốc nhãn trước nhà đọc sách và hai chị em cô con gái, con ông Trung tá bên cạnh thì vẫn hay đánh vũ-cầu. Trái vũ cầu cứ bay qua sân bên này hoài, và hai chị em cười khúc-khích, nạnh nhau qua xin lại trái vũ cầu. Cô chị tóc dài, it nói, có nét đẹp trầm buồn, cô em tóc ngắn, tinh nghịch hơn. Cả hai đều học trường Nữ trung học Nha-trang, là nơi trước đây Thái đã từng từ Đalat về, đến đó để dự thi Tú tàiphần 2 cùng với cô bạn chung lớp với lời chúc tụng ngọt-ngào trước khi bước vào phòng thi “Bonne chance nha!”(chúc may mắn) làm cho Thái nhớ mãi đến bây giờ ….. Thường thì cô em qua nhặt trái vũ cầu, có lần Thái vội lấy trái cầu bỏ vào túi và nói:
- Cái này là của bắt được nha, nên tôi muốn cho ai thì cho, phải không?
Cô bé năn-nỉ cười, nói:
- Thôi mà, cho em xin đi!
- Không được, đã nói là “của bắt được” muốn cho ai thì cho mà!
Cô bé nhí-nhảnh, nói:
- Thế thì anh muốn cho ai nì?
Thái cười nói:
- Ai có mái tóc dài thì cho chuộc lại … hì hì ….
Cô bé bụm miệng cười, nói với qua bên kia rào:
- Chị Nga, ảnh nói ảnh chỉ trả lại trái cầu cho ai có mái tóc dài thôi à.
Thái chợt liếc nhìn qua thấy Nga phản ứng một cách mau chóng: nàng mỉm cười, mặt đỏ ửng và hơi cúi xuống đất để tránh cái nhìn đùa giỡn của Thái. Người em gái Nga vẫn cứ năn-nỉ chàng hoài:
- Thôi mà, trả em cho rồi , em hứa không đánh bay qua đây nữa mô.
Thái vẫn cầm cuốn sách “Vol de Nuit”(chuyến bay đêm) của St Exupéry tiếp tục đọc, nhưng tay kia cho vào túi áo pyjamas có trái cầu, vẫn tỉnh bơ nói, còn nhại thêm câu Kiều:
- Đã nói như rứa rồi mà cô bé… “Của tin gọi một chút này làm ghi” mà. Anh không đổi ý đâu nghe…
Cô bé thấy không lay chuyển Thái được bèn cười nói:
-Thôi được, em phải bắt chị Nga qua đây đòi lại mới được, anh khó quá à nghen!
Nga đứng bên kia rào cầm cái vợt xoay-xoay trên tay mỉm cười làm thinh, Thái thấydễ thương kỳ lạ. Nàng có mái tóc dài và đôi mắt giống Trâm của chàng ngày xưa quá. Hai chị em nói nhỏ nhau gì đó, cười khúc-khích rồi lặng-lẽ kéo nhau vào nhà. Mấy ngày sau, Thái thấy Nga đi học về, thường đi sát lề đường bên kia trước khi vào nhà. Còn cô em thì lúc nào thấy chàng cũng cười nói như đòi nợ: “Trả cho em trái cầu đi chớ!”. Thái vẫn cười nói chắc nịch: “Không, không được, đã nói rứa rồi mà”. Nga thì vẫn thường lánh mặt chàng,
thỉnh thoảng lắm mới thấy Nga ra trước sân và cũng ít khi thấy hai chị
em đánh vũ cầu nữa, cô em thì vẫn tiếp tục chơi vũ cầu với mấy đứa bạn
hàng xóm….
Thái vẫn tiếp tục đời sống buồn-bã và vô-tích-sự đó. Lâu lâu Thái thấy Nga sang nhà hắn trọ
mượn tập của Cúc - con bà chủ nhà, để học. Nga thầm lặng, nhỏ nhẹ và
hay mắc cỡ, nàng thường cúi đầu và đi rất nhanh. Cúc và Nga tự nhiên lại
thân nhau quá đỗi. Những cậu học sinh trọ học, thỉnh thoảng cũng trêu
chọc Nga, nhưng Nga chỉ phản ứng bằng cách làm thinh. Có lúc nằm đọc sách ở giưởng phòng trước, Thái nghe Cúc và Nga cười khúc-khích trong phòng, khi viết cái gì lên bảng, mà hai người vẫn dùng để học Toán, có lúc bí quá vẫn cầu cứu tới chàng vì biết chàng là dân từng học Toán mà . Có điều, trong những lần sau này, Cúc vẫn hay mỉm cười khi nói chuyện với Thái, và có lần Cúc lấy ngón tay chỉ-chỉ vào chàng vừa nói: “Thôi, chết anh rồi nghe - em biết hết rồi đó!” đoạn chạy trốn. Thái chỉ cười đáp: “Thứ gì mà hăm-he anh dữ vậy Cúc?”….
* * *
Như đã dự bị cho mình một lối thoát, Thái đành lòng vào lính. Chàng về Trung thăm mẹ vài ngày sau mấy năm xa cách. Thái không để mẹ nghĩ rằng chàng không biết thương bà, vì những đứa con út trong gia đình thường được nuôi bằng tình cảm đặc biệt của BốMẹ khi tuổi họ đã về chiều. Mẹ Thái tóc đã bạc hoa râm. Các anh chị đều đã có gia đình và ra ở riêng, họ cũng ít khi nào nhớ rằng, họ còn có một đứa em lưu lạc ở phương xa, và dường như chàng cũng không cần đến điều đó. Người nào cũng có vẻ kiêu hãnh về sự học giỏi đỗ đạt của mình, trong cái thời mà ba mẹ chàng còn trẻ, còn có nhiều tiền, và đất nước tạm thanh bình trong cái xã hội phong kiến nửa thực dân. Mẹ Thái nhìn chàng sững-sờ, sau khi đã nheo cặp mắt lại vì tuổi già. ..
Thái bèn nói nhanh:
-Con đây Mẹ.!
Bà cười mếu-máo:
-Chắc mi trúng số rồi phải không? Hôm ni mới tìm về thăm mẹ?
Thái cười vừa lắc đầu, hỏi:
-Khỏe không mẹ?
Bà ngồi bên Thái vò-vò trên đầu hắn, rồi bất giác bà òa khóc, kể lể:
-Con có cha, có mẹ mà như con hoang, con đi mô mà 2, 3 năm ni, chừ mới về? Có học hành gì không?
Thái lắc đầu nói:
-Con không muốn học nữa mẹ.
Bà giật nẩy người, trách:
-Các Ông con đều khoa-bảng, từng làm quan lớn mà con định thôi học nửa chừngthì coi răng được?
Thái cười giả-lả:
-Thôi mẹ ơi, con không muốn làm quan thì học hành làm chi? Chừ con lớn rồi mẹ, con tự lo cho con được rồi, học hành giỏi như mấy anh, mấy chị, rồi có ích gì cho ai đâu? Thôi mẹ đừng nhắc đến việc học hành nữa, con chán quá. Nhớ mẹ , con muốn về thăm vài ngày rồi con lại đi. ..
Thăm mẹ được vài ngày thì Thái trở lại Nha Trang và Sàigòn để khám sức khỏe lần chót học khóa Phi-hành. Sau đó chả bao lâu, chàng bắt đầu trở thành một người lính thực thụ: đầu húi ngắn 3 phân và đen như một cục than. Suốt trong thời gian huấn nhục Thái ở hẳn trong trại lính và cảm thấy không có gì làm mình quên mình một cách hữu-hiệu hơnbằng thời gian ở Quân trường, không có một cực hình nào hơn thế nữa, gọi là “Huấn-nhục” mà!.
Sau thời gian Huấn nhục, rồi được gắn Alfa để thành SVSQ , Thái được xả trại lần đầu. Đôi giày “saut”, mái tóc ngắn, nước da đen bóng, bộ đồ phép kaki Mỹ vàng nhạt, chiếc képi màu lam, với 2 chiếc Alfa vàng có đôi cánh ó gắn trên miếng nỉ đen nơi cầu vai, làm cho chàng có vẻ trưởng thành, vặm vỡ hơn, cao lớn và mạnh bạo hơn nhiều. bước đi thật vững chắc … Không có gì làm cho người con trai thực sự là đàn ông bằng đi lính, đàn ông cả thân xác lẫn tâm hồn. Thái lang-thang một mình trên bãi biển,như thời còn dân sự trước đó.Thái đi qua những hàng dương mà trước đây mấy tháng chàng vẫn thường nằm ở đó. Thái chợt nhớ đến Trâm của hắn ở Đà Lạt vô cùng. Thái ngồi lẻ loi trên một ghế đá ở công viên nhìn ra biển mênh-mông, chàng cầm cái képi xoay-xoay trênngón tay trỏ của mình như một phản xạ vô thức và cảm thấy lòng buồn vô hạn…vìthường những SVSQ Hải quân, hay Không quân thời ấy - nhất là SVSQ Không quân cao lớn trên 1.70m , vặm-vỡ để đáp ứng cho sức chịu đựng với vận tốc rất nhanh của phi-cơ…họ luôn là cái đinh của các thiếu nữ xinh đẹp nơi thành phố biển thơ mộng này ….
Chiều thứ Bảy, bãi biển đông người, từng đám trẻ con nô đùa trên bãi cát thật vui. Những tà áo dài màu bay phất phới, lẫn với những bộ bikini sặc-sỡ ôm chặt những thân hình sexy trắng muốt di chuyển xa-xa trông thật đẹp mắt. Những
con sóng bạc đầu từng lớp xô nhau cuốn tròn như mái tóc chải nghiêng bổ
ập vào bờ làm tung những bọt nước trắng xóa. Những con hải âu lao xuống
nước rồi bay vút lên như một chiếc phản lực chiến đấu. Thái mua một gói thuốc lá Pall Mall ngồi hút, mùi thuốc mà trước đây ở Đà Lạt Trâm không thích mấy. Thái nói khi người ta yêu nhau, thì người ta cũng yêu luôn những thói xấu của người yêu nữa biết chưa ?. Thí dụ mùi thuốc lá. Trâm nhăn mặt lắc đầu nói “no, no”…trông rất vui… Những kỷ niệm nho nhỏ càng làm cho chàng nhớ lâu hơn.
Bỗng lúc đó , Thái nghe tiếng nói quen thuộc sau lưng “Ai như anh Thái Nga ơi!”.Khi đã nhận ra đúng đối tượng rồi, thì Cúc kêu to:
-Anh Thái! Anh Thái…!
Thái xoay người lại thấy Cúc chạy xô tới, vịn vai chàng thân mật, hỏi:
- Đi pilote rồi hở, sao hổng cho ai hay hết vậy?
Thái cười, gật đầu nói:
-Đi lính chứ bộ làm quan quyền gì mà nói cho người ta mừng?
Cúc nói vẻ trách móc:
-Sao không ghé qua nhà em chơi. Ba Mẹ em trông anh lắm đó, nói về Trung rồi đi tuốt luôn. Cái ông này thật là kỳ cục…
Xong Cúc xoay lại phía người con gái đứng gần đó, mặc bộ đồ trắng, đội cái nón lá, ôm cái cặp da nhìn xa-xăm ra lộ, gọi lớn:
- Nga ơi, tới đây chơi Nga!
Thái nói với Cúc:
-Em lại nói anh mời Nga đến đây cho anh thăm chút.
Cúc chạy đến nói gì đó cười-cười, rồi cùng Nga đến bên chàng….
Thái đứng dậy cầm cái képi vuốt-vuốt, nói:
- Chào Nga!
Nga cúi đầu chào lại e thẹn, Thái thấy Nga nhỏ xíu mảnh khảnh, có lẽ vì chàng cao quá. Thái mời cả hai ngồi xuống băng đá. Nga ngồi từ tốn, đưa tay kéo vạt áo dài sau vắt ngang qua đùi ,vẫn ôm chiếc cặp áp sát vào ngực và làm thinh, Thái thấy Nga sao giống Trâm quá, nhất là đôi mắt buồn-buồn như đang giấu kín điều gì đó phía sau đời sống , thực tình làm chàng buồn…
Thái hỏi:
- Chiều ni thứ bảy mà hai người đi đâu, lạc đến đây?
Nga nói chậm rãi, đôi mắt nháy-nháy hai hàng lông mi rung-rinh trông thực đẹp:
- Chiều
ni tụi em đi học thêm toán, theo lời dặn của bà cô cho hết chương
trình, sợ cuối năm học không kịp. Mệt quá, tụi em tạt ra biển chơi…
- Năm nay thi bán phần phải không?
Nga nói:
- Thưa vâng, thi đến nơi mà tụi em chưa học được gì hết.
Cúc nói xen vào:
- Nga học hay lắm anh à. “Hết sẩy!”.
Nga xoay lại Cúc, véo một cái nơi đùi. Cúc nhảy nhỏm la oai-oái…
Thái nói:
- Thấy Nga là biết học giỏi liền.
Nga tò mò:
- Sao rứa anh?
- Những người có đôi mắt sáng thường thông minh.
Nga khiêm nhường đáp:
- Anh nói rứa, chứ Nga học bết lắm. Cúc nó nói chơi đấy, anh thấy chiều ni em phải đi học thêm sao?
Thái cười nói đùa:
- Thế thì Nga học dở, huề vốn, chịu không? Ông thầy bói này sắp thất nghiệp rồi, cả 3 cùng cười…
Lúc đó, có lẽ do tính tế-nhị trước tình cảm người khác, Cúc nhìn đồng hồ rồi nói:
-Xin lỗi hai người nha, thôi em về trước nghe, về nấu cơm, chắc bị bà già chửi quá. Nga ở lại chơi với anh Thái, về sau nghe. Còn anh, lát nữa phải đưa Nga về, nhớ ghé qua em chơi ăn cơm luôn nha. Anh có thư nữa đó, gởi về tháng trước, thư Đà Lạt…có biết anh ở đâu mà chuyển ? Thái nói à, à và thấy xốn-xang trong lòng khi nghe Cúc nhắc đến 2 tiếng “Đalat” - như một thứ “Taboo” của chàng mà từ lâu Thái chỉ muốn quên đi. …
Khi chỉ còn lại hai người,Thái nhìn Nga, hỏi:
- Lâu ni Nga có thường qua học chung với Cúc không?
Nga đáp nhỏ:
- Dạ có.
Thái tiếp:
- Khu Cư-xá của tụi mình ở, có gì đổi thay không em?
- Thấy không có anh ngồi đọc sách dưới gốc nhãn nữa và không còn ai ngủ ở cái giường bố đơn sơ có cắm 4 cây chèo mùng trơ trọi …ngoài hè của bác Hai cả…em cảm thấy như nó thiếu vắng điều gì đó rất lặng-lẽ trước đây… bù cho cái Cư xá vốn rất ồn-ào này ….
Thái cười nói à, à, và gật đầu hỏi:
- Thế Nga còn chơi vũ cầu với cô em nữa không?
Nga cười, cúi đầu bẽn-lẽn nói:
- Dạ không!
Thái hỏi tiếp:
- Sao thế?
Nga cười nhìn ra biển xa, với giọng đùa giỡn:
- Trái vũ cầu mất rồi, còn chi mà chơi, “người ta” lấy mất rồi, anh quên rồi sao?
Thái đáp:
-Nhớ chớ, nhưng không có ai tóc dài đến chuộc cơ mà? Trái cầu anh bỏ trong vali, gởi nơi nhà Cúc đó. Thái cười đọc 2 câu ca-dao làm Nga mắc cỡ:
“Anh được thì cho em xin
Hay là anh để làm tin trong nhà?…”
Rồi tiếp:
- Chừ chịu chuộc trái cầu chưa?
Nga lắc đầu cười nói:
- Thưa chưa!
Thái tiếp:
- Thế anh để “làm tin trong nhà” nghe? Chừng mô em lấy chồng anh trả lại em. Chịu không?
Nga cười không trả lời rồi nhìn ra chỗ khác, Thái hỏi:
- Nga suy nghĩ gì thế?
Nga lắc đầu nói:
- Dạ không…..ngoài chuyện em nhớ đến trái vũ cầu ngày xưa như lần cuối, em không còn chơi môn thể thao này nữa …….
-Không chơi vì không còn trái vũ-cầu, hay vì lý do gì khác ?
Nga cúi xuống, giọng bùi-ngùi khác thường :
-Em yêu kỷ-niệm vậy thôi , giờ mọi chuyện đã khác: anh đã xa Cư x á, đã bỏ chiếc giường bố lẻ-loi nơi hiên nhà , bỏ những chiều đọc sách nơi gốc nhãn nhà Bác Hai , vàgiờ anh đã vào lính - thứ lính “Đi không ai tìm xác rơi …” .. . thì em đâu vui vẻ gì …không biết ngày mai ra sao - cho anh, em sợ.. !
Thái nghiêm túc tâm tình:
-Tạ ơn những quan tâm của em về sự vắng mặt bất ngờ của anh nơi Cư xá ấy, cũng như lo lắng về những lựa chọn của anh - thực ra, trong những đau thương , anh chọn cái ít đau thương nhất chứ không phải Hạnh phúc, nói tóm : anh lựa chọn sự không lựa chọn đóthôi ….có nghĩa anh lựa chọn điều anh không thực lòng mong muốn …?
Lúc đó, ánh điện đường ở đại lộ Duy-Tân chạy dọc theo bờ biển đã bắt đầu rực sáng. Đám người chơi biển đã thưa dần. Thái nói với Nga thôi mình về kẻo nhà trông, Nga nói vâng. Gió dưới biển thổi lên hơi lạnh, tà áo dài Nga bay lất phất, Nga đi bên Thái e dè và nhỏ bé. Nga vẫn âm thầm bước đi không nói lời nào. Thái chợt hỏi Nga, có lúc nào Nga thấy lòng mình buồn đến muốn khóc không? Nga nói có, và thường Nga không muốn ai thấy Nga khóc. Thái nói nước mắt người đàn bà dễ làm mềm lòng
người đàn ông. Nga cười nói, có thể như thế, nhưng như Nga đã nói lúc
nãy với anh, là Nga không muốn ai nhìn thấy mình khóc, thì làm sao làm
mềm lòng người đàn ông được, phải không, thưa anh? Thái
nói à, à rồi gật đầu tiếp: Thế lỡ người đàn ông nào đó chợt thấy thì
sao? Nga cười tươi nói, thì người đàn ông đó phải mềm lòng như anh nói
với Nga lúc nãy, chứ sao? Cả hai cùng cười lớn, nói chuyện say mê đến cổng Cư xá lúc nào không hay. Cúc đứng đợi sẵn trên thềm vỗ tay cười nói, anh Thái về kìa mẹ. Bác Hai nhìn ra, hỏi Cúc, có đứa nào đi bên giống con Nga con ông Trung tá quá vậy? Cúc cười rồi làm thinh… Thái nói nhỏ với Nga, thôi Nga về, anh vào đây thăm Bác Hai một tí. Nga nói vâng, và chúc: “Anhmạnh giỏi nha!”, vừa cười nói nhỏ đủ để cho Thái nghe: “Anh còn nợ em trái cầu đónghe”, … rồi mở cổng bước vào nhà. Chiếc cặp vẫn được ôm sát vào lòng như một điểm tựa, mái tóc ngang vai, tà áo dài bay-bay làm Thái nhớ tới Đà Lạt ngày xưa của chàngquá…
Thái ngồi nơi Divan, đưa tay tháo lỏng chiếc cà vạt đen nơi cổ lỏng ra một chút cho dễ thở rồi nhìn chung quanh căn nhà mà trước đây Thái đã trọ học, tự nhiên chàng cảm thấy xa lạ và tiếc thương những ngày còn làm học sinh trung học vô cùng. Mấy anh bạn cùng cư ngụ chung đều chào hỏi vui vẻ, trên tay họ còn cầm những cuốn sách mà trước đây Thái cũng thường cầm. Bác Hai mời Thái dùng nước, chê chàng đen, Thái nói lính mà bác, bà cũng có vẻ buồn phiền về việc Thái âm thầm ra đi vào một nơi mà bà nghĩ rằng một người như chàng chưa cần phải đến đó. Thái giải thích một cách mù mờ về những quyết định của mình và trấn an bà chủ nhà về sự chết sống cũng có số mệnh. Bà muốn mời Thái ở lại ăn cơm chơi rồi chiều hãy vào trại, Thái tìm cách thối thác vì chàngkhông muốn sống với những kỷ niệm. Bất chợt, Cúc đến gần Thái và đưa cho chàng một chiếc thư lớn, màu trắng bằng giấy dày, con dấu bưu điện mang tên Đà Lạt. Thái nói cảm ơn và mân-mê lên chiếc phong bì như một nỗi đau âm-ỉ, mà chàng biết cái gì trong đó, Thái cảm thấy đau nhói nơi ngực khi nhìn hai chữ viết hoa kiểu cọ, màu đỏ bằng hai chữ đầu của hai họ ôm nhau như một sự gắn bó lâu dài, sự gắn bó làm chàng ở ngoài suốt cả đời giá buốt. Thái không buồn mở thư ra xem, vì chàng sợ phải đương đầu với một thực tại mà mình không muốn nhìn nhận. Thái gấp đôi phong thư lại nhét vào túi áo, rồi tiếp tục nói chuyện với bà chủ nhà. Bà hỏi có phải thư nhà không? Thái cười nói, thưa phải và đưa câu chuyện sang hướng khác. Thái ngồi chơi một lát rồi ra sân đứng dưới gốc cây nhãn mà nhớ đến những ngày trước đây, thoáng chốc, Thái đã trở thành một người khác lạ, ngay cả với chính mình. Dù mọi việc Thái đã tiên liệu trước, nhưng khi nó xảy ra chàng vẫn thấy buồn buồn, chàng không muốn ở lại đây lâu. Thái không biết làm gì cho hết 12 giờ phép còn lại, chàng chỉ muốn đi về phía biển, vào một kiosque nào đó uống một chai bia, nhìn trời mây, nghe nhạc… rồi trở về trại một mình. Thái xin phép bà chủ nhà ra về, chàng cầm cái képi đội lên đầu, nhìn vào kiếng sửa lại chiếc cà-vạt cho ngay, Thái nghe Cúc nói vọng lên từ nhà dưới, anh Thái nhớ có phép là ra nhà em chơi nghe, có người đợi anh đó, Thái cười nói ỡm-ờ, ai vậy em? Cúc trả lời dài giọng “Thôi mà…”. Thái bước ra ngõ dưới giàn hoa giấy, thoáng nhìn qua bên kia rào thấy Nga đứng, mặc áo ngắn, cầm cái lược chải đầu với đôi mắt buồn, lặng-lẽ nhìn theo…Chàng giơ tay khoác nhẹ từ biệt… rồi khuất dần ở một khúc quanh …
Trời
tối sẫm, ánh đèn néon từ đại lộ hắt xuống tạo một khoảng lờ mờ trên mặt
cát. Từng đợt sóng nhỏ bủa nhẹ vào bờ mang theo những đám rong xanh.
Những cặp tình nhân xoắn-xuýt nhau thì thầm những lời mật ngọt , chắc trong đó, thế nào cũng có những câu thề, họ sẽ yêu nhau đến cuối cuộc đời. Thái nghĩ, chẳng có sách vở, cha mẹ nào dạy câu đó cả, trước khi biết yêu, vậy mà, ai cũng biết và cũng muốn nói câu đó cho nhau,nhiều lần… để rồi chẳng có gì nhau…? Thái ngồi nơi một chiếc ghế nhỏ, tựa lưng vào gốc dừa, chàng uống từng ngụm bia nhỏ, tay cầm cái nắp chai cà-cà lên mặt bàn tạo thành một thứ âm thanh chát-chúa, chàng mỉm cười nghĩ đến người đã khám phá ra chất men rượu đầu tiên phải là một người buồn chán cuộc đời. Thái cúi người xuống buộc lại dây giày “saut” đã lỏng ra, tình cờ chàng khám phá ra rằng chàng đang có một niềm đau bọc trên túi áo, Thái rút
chiếc thư khi chiều và bóc ra đọc. Bên trong chỉ có một mảnh giấy nhỏ
ghi vội một ít dòng, không có tấm carte nào báo hỉ cả… “Đà Lạt, ngày… tháng 3 năm 196…
Anh Thái, ngày qua mẹ đã gửi đi gần 200 tấm cartes rồi, để báo tin vui em lấy chồng! Em lấy chồng theo ý của ba mẹ em lựa chọn và cũng có một phần xô đẩy của anh trong đó, khi anh đã lặng lẽ từ bỏ Đalat trong chuyến tàu đêm, tốc hành về Nhatrang, mà không hề thăm em lần cuối…..
Đã lâu em vẫn ngóng tin anh mà vô vọng, không biết chừ anh ở mô và có
còn tiếp tục học nữa hay không? Em không muốn anh bỏ học tí nào, bỏ em
đã là một thua lỗ lớn của anh rồi. Ngày mai em lấy chồng, anh ấy lớn hơn em một con giáp - một khoảng cách em với tay hoài không tới, nhưng tấm bằng Bác-sĩ anh ấy coi nhưmột đền bù, lấp vào mơ ước tìm được rễ quí của Ba Mẹ em …. Em sẽ mặc áo kim tuyến màu xanh rêu, màu mà trước đây anh vẫn thích em mặc đi chơi Kermesse với anh ấy mà, chít courone vàng, choàng voile trắng như màu tang, em sẽ ôm bó hoa huệ hồng đứng bên anh Toàn cho người ta chụp hình, em sẽ cố cười thật rạng rỡ để cho Mẹ em nghĩ em hạnh phúc, để cho anh Toàn vui
lòng… Em viết thư này cho anh lần sau cùng, bởi vì ngày mai, em đã trở
thành một người khác, không còn là Trâm của những ngày Đà Lạt sương mù
nữa. Em gởi thư này về địa chỉ cũ ở Nha Trang cho anh. Hy vọng, dù ở đâu, anh cũng có dịp về đó, để được đọc thư em lần cuối. Em Trâm”.
Thái xếp chiếc thư lại nhét vào vị trí cũ, rồi uống hết những giọt bia sau cùng, từng chiếc bóng của bọt bia trên miệng ly vỡ dần chỉ còn một chiếc ly rỗng không như tấm lòng chàng hiện tại. Thái cảm thấy một nỗi dửng-dưng tê điếng không còn bắt được những cảm giác nào thêm nữa. Còi giới nghiêm đã hụ, Thái đứng dậy lại quày hàng trả tiền, rồi chậm rãi một mình lủi thủi bước về phía phi trường. Thái nhìn lên bầu trời đầy sao, thấy ánh đèn “beacon” ở sau đuôi lái nhấp-nháy của một chiếc phi cơ bay đêm lạc loài, giống như chàng đêm này, trên đường trở về trại dù giờ phép hãy còn nhiều… Thái hát thầm trên đường khuya, giọng buồn hiu hắt: “Đời lính chiến xa nhà, dăm ba giờ phép là quý lắm rồi…”. Thái bỗng dưng muốn có một phép mầu nào đó để quay cho trái đất xoay nhanh hơn, giờ phép còn lại ít hơn cho chàng được quên mình trong đời lính …Thái tự nhủ lời thầm trong miệng: “Rồi đây, anh sẽ một đời cất cánh, cất cánh lên cao, lên cao … đến cuối trời u tối - ở đó - dù xa em, nhưng anh lại được gần-gũi với trăng sao…?”
*Nguyễn Tư