NGUYỄN VĂN HẢO - HUYỀN THOẠI BỊ LÃNG QUÊN
Chắc hẳn, ít người biết đó từng là nhà của một thương gia nổi tiếng
cả miền Nam: Nguyễn Văn Hảo - một trong những thương gia giàu có nhất ở
Sài Gòn từ thời Pháp đến năm 1975.
Trên mặt tiền ngôi nhà (phía đường Trần Hưng Đạo và hai bên hông Ký
Con - Yersin) có khắc dòng chữ NG.V.HAO nên những người sống xung quanh
thường gọi đó là tòa nhà Nguyễn Văn Hảo. Gọi là thế nhưng lớp người
hiện nay ít biết lai lịch của người chủ tòa nhà có vị trí đắc địa “có
một không hai” ở Sài Gòn này.
Khi có ý định tìm hiểu nhân vật Nguyễn Văn Hảo, chúng tôi đã cố
gắng tìm tư liệu nhưng hầu như vô vọng. Lên mạng đánh chữ “Nguyễn Văn
Hảo” thì kết quả hiện ra và được tìm kiếm nhiều nhất là ông Nguyễn Văn
Hảo, người từng là Phó thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.
Thật may mắn trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi được biết ông
Nguyễn Văn Hảo chính là ông chủ của rạp Nguyễn Văn Hảo lẫy lừng một
thời, được ví là nhà hát “hàng không mẫu hạm” có sức chứa tới hàng ngàn
người và là thánh đường của cải lương.
Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên là rạp Công Nhân, nằm
khiêm tốn ở số 30 Trần Hưng Đạo, Q.1. Trước rạp Công Nhân vẫn còn người
cháu rể (cũng gần 80 tuổi, gọi ông Hảo bằng dượng) bán cà phê cóc. Tuy
nhiên, người cháu rể cũng không biết nhiều thông tin mà chỉ biết bác
mình là người rất giàu có và nổi tiếng trước năm 1975.
Người cháu rể đã nhiệt tình chỉ cho chúng tôi cách “mở” cánh cửa
sắt màu xanh ở phía đường Ký Con suốt ngày im ỉm đóng ở ngôi nhà Nguyễn
Văn Hảo. Từ đó thân thế, lai lịch và sự nghiệp của nhân vật bí ẩn này
dần dần được hé mở.
Tuổi thơ ở ruộng đồng
Ông Nguyễn Văn Hảo sinh năm 1890, quê ở ấp Long Thuận, xã Nhị Long,
H.Càng Long (Trà Vinh). Nhìn vào gia sản đồ sộ mà ông Hảo từng sở hữu,
nhiều người sẽ có suy nghĩ ông phất lên một phần do thừa hưởng gia sản
của ông cha để lại. Tuy nhiên, ông Hảo xuất thân trong một gia đình
trước đó mấy đời đều làm nông. Cha của ông có ba người vợ. Ông Hảo là
con thứ ba của người vợ thứ ba.
Những năm tháng tuổi thơ, theo những người trong gia đình kể lại,
cậu bé Hảo chỉ quanh quẩn ở quê. Chưa bao giờ cậu bé Hảo lại nghĩ có một
ngày mình sẽ lên Sài Gòn lập nghiệp.
Một người anh cùng cha khác mẹ của ông Hảo là ông Nguyễn Văn Kiệu,
làm chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng ô tô ở đường Nguyễn An Ninh
(Q.1). Công việc làm ăn phát đạt, ông Kiệu cần tuyển thêm người làm phụ
giúp. Quay qua ngó lại anh em trong gia đình, ông Kiệu thấy ông Hảo là
người thông minh, lại lanh lợi, phù hợp cho việc kinh doanh. Thế là thay
vì để em làm ruộng ở quê, ông Kiệu xin phép cha đưa em trai lên Sài Gòn
phụ mình buôn bán phụ tùng xe hơi.
Thuê cửa tiệm Chú Hỏa khởi nghiệp
Lên Sài Gòn, công việc đầu tiên mà ông Hảo làm là phụ anh trai mình
buôn bán phụ tùng. Vốn là người thông minh, ở quê được cha cho ăn học
dù không nhiều, ông Hảo đã học những bài học cơ bản từ người thợ đi
trước. Cứ ai giỏi là ông Hảo đeo theo để học. Chẳng mấy chốc từ người
thợ học nghề, ông Hảo thành người thợ chính tại tiệm buôn bán phụ tùng
xe của anh mình.
Ngoài việc rành kỹ thuật để sau này mở tiệm không để thợ qua mặt,
những ngày làm công ở tiệm anh trai, ông Hảo đã âm thầm học cách kinh
doanh, mối lái buôn bán phụ tùng xe hơi với tham vọng mở một cửa hàng
riêng cho mình sau này. Sau khi đã ổn định công việc, ông Hảo đưa vợ
mình lên Sài Gòn. Năm 1929, vợ ông sinh người con trai đầu đặt tên
Nguyễn Tâm Thạnh. Thời gian này, sau khi tích lũy một số vốn liếng, ông
Hảo xin phép ông Kiệu cho phép mình ra lập nghiệp riêng. Được anh trai
đồng ý, ông Hảo mở tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở số 21 - 23 đường
Galliéni, sau này đổi thành đường Trần Hưng Đạo (Q.1).
Cửa tiệm trên được ông Hảo thuê lại của gia đình Chú Hỏa (1845 -
1901), một trong những người giàu có nhất Sài Gòn. Song song với buôn
bán phụ tùng xe hơi, trước cửa hiệu, ông Hảo mở một cây xăng bơm tay để
kinh doanh thêm xăng, dầu nhớt. Không biết đó có phải là cây xăng tư
nhân mở đầu tiên ở Sài Gòn hay không nhưng với độ nhanh nhạy, số lượng
cây xăng ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên đa phần khách mang xe
đến sửa chữa, thay thế phụ tùng, khi quay ra chỉ biết đổ ở cây xăng ông
Hảo.
Riêng về cửa hàng phụ tùng xe của ông Hảo nằm ở trung tâm Sài Gòn,
chỉ cách chợ Bến Thành mấy bước chân, hàng nhập khẩu bán đúng giá lại
càng thu hút khách, nhất là giới tài xế miền Tây lên Sài Gòn mua phụ
tùng thay thế. Khi đó ở Sài Gòn cũng có vài cửa hàng mua bán phụ tùng xe
hơi nhưng chỉ có cửa hàng ông Hảo đủ lớn để cạnh tranh với các tiệm
người Pháp trong vùng.
Cạnh tranh với người Pháp
Hạn chế của các hãng do người Pháp làm chủ là nhân viên ít nói
tiếng Việt, trong khi đó đa phần giới tài xế lại không rành tiếng Pháp
nên ngại vào. Thay vào đó, họ qua tiệm của ông Hảo để mua hàng.
Khi hoạt động kinh doanh mở rộng, ông Hảo giao phần lớn việc kinh
doanh phụ tùng cho vợ, còn mình chỉ phụ trách việc giao dịch với bạn
hàng Pháp để mua phụ tùng về bán. Vợ ông Hảo ngoài việc có duyên buôn
bán còn là người phụ nữ rất chịu thương, chịu khó. Bất cứ giờ nào, kể cả
2 - 3 giờ sáng, nếu có khách gọi cửa, bà đều sẵn sàng bán hàng dù thứ
khách mua chỉ lời không hơn một đồng.
Vợ ông Hảo còn có kiểu kinh doanh khá đặc biệt. Đó là khi tài xế tới mua hàng, bà chỉ hỏi: “Chú là chủ xe hay tài
xế?”. Nếu là tài xế, ngoài việc bán đúng giá, bà Hảo còn trích ra
vài cắc cho họ có thêm lộ phí đi đường, cà phê, ăn sáng. Cách làm của bà
Hảo giống như kiểu “khuyến mãi” bây giờ. Dù số tiền “lại quả” không
đáng là bao nhưng lại thu hút giới tài xế tìm đến cửa hàng.
Nhờ kiểu kinh doanh gần gũi, bình dị và lấy công làm lãi đó mà cửa
hàng phụ tùng xe của ông Hảo dù mới mở nhưng kẻ mua người bán tấp nập,
tiền đếm mỏi tay. Kinh doanh ngày càng phát đạt nên ngoài cửa tiệm chính
ở Sài Gòn, ông Hảo kết hợp với một người bà con ở Trà Vinh mở thêm chi
nhánh dưới miền Tây.
Chở gạch từ Pháp xây nhà bốn mặt tiền
Trước năm 1933, ông Hảo mua miếng đất ở đường Trần Hưng Đạo - Ký
Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm (ngày nay) để xây cất nhà. Ban đầu ông
chỉ mua nửa miếng ở phía đầu đường Trần Hưng Đạo, nhưng sau do chủ đất
nài nỉ nên ông mua luôn cả miếng. Việc xây nhà kéo dài từ năm 1933 và
hoàn tất vào năm 1937, song từ năm 1935 cả nhà ông đã chuyển về đây sinh
sống.
Tòa nhà có diện tích gần 800 m2, được xây dựng theo lối
kiến trúc Pháp thịnh hành thời đó như Nhà hát Thành phố, khách sạn
Continental, khách sạn Grand Palace, khách sạn Majestic… Gạch bông của
tòa nhà được đưa từ Pháp qua. Do lúc đó chưa có xi măng nên thợ phải lấy
mủ cây trộn với vôi cát, nước để xây.
Tòa nhà tuy có hai lầu nhưng sau này có gắn thang máy để “ông Hảo
đi lên sân thượng ngắm chim cho đỡ mỏi chân”, như lời con cháu kể lại.
Năm 1966, khi ông Hảo về quê ở ẩn, do không có nhu cầu sử dụng thang
máy, con cháu ông đã tháo ra đem bán.
Tòa nhà sau khi hoàn tất, phía trước đường Trần Hưng Đạo ông Hảo
kết hợp với Hãng Caltex mở cây xăng dầu. Căn kế tiếp bán đồ phụ tùng xe
hơi, rồi tới nhà kho. Phòng bên phải là văn phòng làm việc của ông. Phía
sau là garage xe hơi. Dãy lầu trên garage có thêm 6 căn được cho thuê.
Còn phía trên của dãy trước để toàn bộ đại gia đình ông ở.
Ngoài tòa nhà vừa làm nhà vừa là chỗ kinh doanh trên, ông Hảo còn
mua miếng đất ở bốn mặt tiền đường Bùi Viện - Trần Hưng Đạo - Đề Thám -
Nguyễn Thái Học (ngày nay) để xây cất hai dãy phố nhà lầu cho thuê.
Theo những người từng thuê nhà thì công ty ông Hảo hoạt động theo
nhu cầu thị trường, tức là có cầu có cung. Điều khiến các dãy nhà thuê
hút khách là giá thuê mà ông đưa ra rất dễ chịu và không tăng giá đột
ngột, dù đó là người thuê ngắn hay dài.
Sau đây là một số hình ảnh về ngôi nhà cổ:
Trong một bài viết về bối cảnh Nam kỳ mấy thập niên đầu thế kỷ 20, ở
mục kinh tế, cố nhà văn Hứa Hoành có điểm một số nhân vật kinh doanh
tài ba gầy dựng nên cơ nghiệp khồng lồ, trong đó có ông Nguyễn Văn Hảo.
Nếu trong công nghiệp, dịch vụ, có ông Trương Văn Bền với thương
hiệu xà bông Cô Ba nổi tiếng khắp Đông Dương; lĩnh vực điện lực có Lê
Phát An, Lê Tùng Long; cao su có Lê Phát Vĩnh, Nguyễn Hữu Hào; về giao
thông xe đò, đường thủy có Lê Thanh Liêm, Phán Nuôi; ngân hàng có Trần
Trinh Trạch, Nguyễn Tấn Lợi, Trương Tấn Bộ... thì ông Nguyễn Văn Hảo làm
đại diện vỏ ruột xe hơi của Hãng Michelin của Pháp ở Sài Gòn.
Cạnh tranh với người Pháp
Trước năm 1933, ông Hảo mua mảnh đất nằm ở bốn mặt tiền đường - mà
nay là Trần Hưng Đạo - Ký Con - Yersin - Lê Thị Hồng Gấm - rồi tiến hành
xây cất nhà. Đồng thời, ông cũng trả lại cửa tiệm ở số 21 - 23 đường
Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) cho gia đình chú Hỏa.
Về chỗ mới, ông Hảo vẫn kinh doanh phụ tùng ô tô, xăng dầu. Đến
khoảng năm 1940, khi công ty đủ mạnh, vốn liếng dồi dào, ông Hảo nhập xe
hơi nguyên chiếc về bán ở Sài Gòn. Những thương hiệu xe hơi mà ông Hảo
nhập về là Fiat, Lancia, Nash… được bày bán phong phú như các showroom
xe hơi ngày nay.
Mỗi lần ông Hảo nhập về 2 - 3 chiếc Nash, sau đó nhập xe hiệu Fiat,
Lancia... Bấy giờ, xe hơi được coi là một gia tài kể cả đối với người
giàu có. Giá xe hơi khi đó chừng 2.000 đồng bạc Đông Dương (1 đồng đổi
được 17 franc Pháp). Ngoài việc buôn bán xe hơi, garage của ông Hảo còn
làm luôn dịch vụ bảo trì sửa chữa cho các loại xe (do hãng bán cũng như
các hiệu khác), cạnh tranh ngon lành với các garage Charner bán xe
Peugeot, garage Auto Hall bán xe hiệu Citroen, garage Scama bán xe Ford
của người Tây nằm gần đó.
Song song với việc nhập xe hơi về bán, ông Hảo còn làm đại diện vỏ
ruột xe hơi của Hãng Michelin (Pháp) - một thương hiệu được ưa chuộng và
rất thịnh hành ở Sài Gòn thời gian đó.
Bạn thân ba Công tử Bạc Liêu mua xe
Cái hay của ông Hảo là dù kinh doanh mặt hàng xe hơi dành cho dân
có tiền nhưng ông không bao giờ phân biệt sự sang hèn của khách.
Cũng chính vì cung cách làm ăn niềm nở như thế nên một lần garage xe của ông Hảo tiếp một vị khách hết sức đặc biệt.
Một buổi sáng khi garage vừa mở cửa, có một vị khách trông rất quê
mùa, mặc áo dài khăn đóng khá cũ vào hỏi mua xe hơi. Nhân viên bán hàng
tính ra đuổi vì nghĩ ăn mặc như vậy thì không thể có tiền mua xe hơi mà
có khi tính đường chôm chỉa. Nhưng ở gần đó, ông Hảo vừa tính sổ sách
vừa quan sát nên nhân viên không dám vô phép.
Vị khách này sau khi coi xe đòi nhân viên khởi động máy. Xe khởi
động, ông khách nghe tiếng máy kêu êm êm xong cất tiếng hỏi ngắn gọn:
“Bao nhiêu tiền?”. “Gần 3.000 đồng bạc”, anh nhân viên trả lời mà giọng
vẫn e dè.
Ông khách mở cửa ngồi lên xe nhún vài cái rồi nói: “Hình như nhíp
hơi kêu. Anh cho thêm miếng dầu vô nhíp nhé”. Nói xong, vị khách kêu làm
thủ tục, tính tiền.
Cuộc mua bán nhanh gọn, có phần hơi lạ lùng khiến chủ nhân garage
thích thú. Ông Hảo sai người đưa chiếc xe ra cây xăng trước nhà tính
“khuyến mãi” cho khách một thùng xăng đầy. Tuy nhiên, vị khách không
chịu mà chỉ “xin” 5 lít. Ông Hảo ngạc nhiên hỏi lý do. Lúc này vị khách
mới thật thà kể thực ra ban đầu ông không thích nhãn hiệu xe Nash của
ông Hảo đang bán mà thích chiếc xe Ford (Mỹ) bán ở garage Scama người
Pháp (nằm trên đường Lê Lợi hiện nay). Trước đó, ông khách đã ghé garage
này để hỏi mua. Tuy nhiên, viên quản lý người nước ngoài và nhân viên
khi thấy bộ dạng rách rưới và kỳ quái của khách đã đuổi khách đi. Vị
khách buộc phải tìm qua hãng xe của ông Hảo.
Đổ xăng xong, vị khách sai người làm chở xuống garage xe đã đuổi
ông, rồi tới trước mặt vị quản lý người Pháp nói ngắn gọn bằng tiếng
Pháp: “Vì mày đuổi nên tao phải qua garage ông Nguyễn Văn Hảo mua chiếc
này. Bây giờ tao chạy xe qua tiệm mày để mua xăng”. Nghe vị khách kể
lại, ông chủ người Pháp đuổi việc luôn cả viên quản lý người Pháp và
nhân viên người Việt.
Vụ đó, ông Hảo lời 600 đồng Đông Dương sau khi bán được chiếc xe
Nash. Sau khi tính tiền và làm thủ tục xong, ông khách rút sau lưng cái
mo cau gập làm đôi trong đó từng xấp tiền 500 đồng bạc Đông Dương nhiều
không thể tả. Ngoài trả tiền “tươi”, vị khách còn hào phóng cho nhân
viên nhiệt tình giới thiệu xe 10 đồng Đông Dương, trong khi lương của
anh này chỉ 8 đồng/tháng.
Sau này tìm hiểu ông Hảo mới biết vị khách lập dị kia là một trong
những người giàu nức tiếng ở miền Tây khi đó, từng là bạn khá thân với
ông Trần Trinh Trạch (thường gọi Hội đồng Trạch) - thân phụ của công tử
Bạc Liêu.
Xây nhà hát "hàng không mẫu hạm"
Là người mê cải lương nên khi kinh doanh phát đạt, ông Nguyễn Văn
Hảo mua đất xây dựng nhà hát mang tên ông. Nhà hát này một thời được coi
là “thánh đường” của giới cải lương có sức chứa hơn 1.200 khách.
Để phục vụ sở thích
Người con trai độc nhất của ông Hảo là Nguyễn Tâm Thạnh, năm nay
cũng đã 86 tuổi. Chính ông Thạnh là người giúp chúng tôi “mở cửa” căn
nhà đắc địa Nguyễn Văn Hảo ngay trung tâm Sài Gòn. Con trai ông Hảo cho
biết dù là dân kinh doanh nhưng do lớn lên ở miền Tây nên ông Hảo rất mê
cải lương. Trước nhà có một gánh hát bội nhỏ nên thường những tối cuối
tuần sau những giờ kinh doanh căng thẳng, ông Hảo lại ghé xem hát.
“Cha tôi xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo với mục đích ban đầu là phục
vụ sở thích cải lương của mình. Thêm nữa, ổng muốn nghệ thuật cải lương
có một nhà hát đẳng cấp để phát triển”, ông Thạnh hồi tưởng.
Nói là làm, khoảng đầu những năm 1940, ông Hảo mua đất để xúc tiến
xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo. Mặt tiền của rạp hướng về đường Galliéni
(nay là đường Trần Hưng Đạo), một con đường tráng nhựa rộng lớn và huyết
mạch từ Sài Gòn đi Chợ Lớn. Cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo trổ ra đường
Bùi Viện.
Theo soạn giả Nguyễn Phương, rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng khán
phòng. Tổng cộng số ghế cho khán giả trong rạp là 1.200 ghế, chưa kể ghế
súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức. Đây là
rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Sài Gòn nên được các nghệ sĩ gọi là “hàng
không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo.
Lầu ba dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế. Ghế ở lầu ba được đóng
bằng ván dài, trên một cái dàn gỗ, ghế được đóng từng hàng từ thấp lên
cao như ghế băng trong các rạp xiếc. Lầu hai dành cho khán giả hạng nhì
và hạng nhất gồm 400 ghế bọc nệm da đỏ có lưng dựa. Tầng trệt có 500 ghế
bọc nệm da đỏ, dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất.
Phía tay phải của rạp hát là một hành lang rộng 5 m, dài từ cửa
trước đến sát phông sân khấu (độ 50 m). Hành lang này dành cho đoàn hát
để phông màn, chỗ làm tuồng của một số đào, kép hạng ba, vũ nữ và quân
sĩ. Đây cũng là nơi dự phòng của rạp để phòng lối ra khi có hỏa hoạn.
Ở khoảnh đất mặt tiền còn lại giao các đường Galliéni và Bùi Viện,
mỗi bên ông Hảo xây hơn 10 căn phố lầu để cho thuê. Góc đường mũi tàu
Bùi Viện, Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học) và Galliéni, là cửa
lên lầu hai của vũ trường Tour D’Ivoire (Tháp Ngà).
“Thánh đường” cải lương
Trong những năm từ 1943 đến năm 1954, Sài Gòn có bốn rạp dành cho
hát cải lương: rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Aristo ở đường Lê Lai, rạp Thành
Xương ở đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đa Kao. Trong số các rạp này thì
rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất, có sân khấu rộng và sâu nhất,
khán giả đến xem đông nhất. Đây chính là những thuận lợi giúp cho các
bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ
thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.
Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt.
Đây cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực
hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề
lúc bấy giờ.
Đoàn cải lương Hoa Sen (đoàn hát có doanh thu cao nhất trong các
đoàn hát cải lương cuối thập niên 1950) của ông bầu Bảy Cao cũng về hát ở
đây. Các đoàn hát đều mang một ý thức chung là khi về “hàng không mẫu
hạm” Nguyễn Văn Hảo trình diễn thì nhất định đoàn phải có tuồng mới, có
những tranh cảnh, y trang mới và nhất định là phải có những cải cách kỹ
thuật, mới và đẹp hơn những lần trình diễn trước, phải đẹp và hấp dẫn
hơn các đoàn hát khác.
Theo soạn giả Nguyễn Phương thì: “Năm 1953, đoàn Hoa Sen hát khai trương vở Đoàn chim sắt tại
rạp này, khán giả đông không thể tưởng tượng. Chiếc “hàng không mẫu
hạm” Nguyễn Văn Hảo nếu là chiếc tàu thiệt chắc là phải chìm luôn. Bởi
ngoài số khán giả đứng đầy nghẹt ở phía sau và hai bên vách tường rồi,
họ còn đứng chật luôn lối đi ở giữa và phía trước sân khấu, che trước
mặt bà con ngồi ghế thượng hạng, khiến họ la ó lên. Tưởng như vậy thôi
sao, khán giả hạng đứng này còn leo lên sân khấu và vô luôn hậu trường.
Nghe nói hôm bữa hát đó, ai đưa tiền thì người gác cửa cho vô, chẳng cần
biết bên trong đã hết chỗ đứng”.
Ông Nguyễn Tâm Thạnh, con trai ông Hảo, cho biết thời vàng son cải
lương của rạp Nguyễn Văn Hảo kéo dài chừng 30 năm. Đến năm 1970, ông Hảo
cho ông Nguyễn Văn Đối mướn lại rạp sửa sang một số công năng để làm
rạp... chiếu bóng.
Cuốn phim đầu tiên chiếu tại rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo là Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, tiếp theo là Thích ca đắc đạo... Từ đó, rạp mang tên là “Ciné Nguyễn Văn Hảo” cho đến sau năm 1975 đổi tên là rạp Công Nhân như tên gọi bây giờ.