Thursday, 13 October 2016

ĐỒI ỔI ( Cô Lê Phạm Lê )




VIỆT BÁO

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2016. Bà sinh năm 1949 tại Tuyên đức; Trước 1975, là Giáo sư Quốc văn Trung học đệ nhị cấp; 1979, vượt biên đến Mỹ; 1989-2011: phục vụ trong hệ thống Đại học Cộng đồng thuộc miền Bắc California với chức vụ English Instruction Lab Coordinator; hiện là cư dân hưu trí tại vùng vịnh San Francisco. Đã xuất bản một số sách Anh ngữ, và từng được tổ chức United Poets Laureate Inter-national trao tặng “Peace Poetry Golden Medallion” tại Hội nghị Thi ca Quốc tế lần thứ 23, Osaka, Japan, March 25-29, 2014. Sau đây là bài viết về cuốn truyện nhi đồng “Guava Hill / Đồi Ổi” của tác giả.


***

Trong những buổi ra mắt sách, độc giả người Mỹ thường hỏi tôi, “Có phải cảm hứng khi viết truyện Guava Hill xuất phát từ kinh nghiệm bản thân của tác giả được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và những khuôn mặt trẻ thơ trong truyện này là người tác giả đã quen biết vào thời điểm đó, hay Guava Hill chỉ là một câu chuyện tưởng tượng mà tác giả đã chọn quê hương của mình làm bối cảnh? Đồi Ổi có thật ở Việt Nam hay không?”

Thật ra ý nghĩ đặt tựa đề cho truyện “Đồi Ổi” bắt nguồn từ kinh nghiệm thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam. Phía sau nhà gia đình tôi là một khu rừng ổi ba tôi mua lại của một người Pháp trước khi ông ta về nước nên người nhà thường gọi “núi ổi” nhưng tôi thích đặt tựa đề tiếng Anh là “Guava Hill” nghe có vẻ thi vị và chính xác hơn. Nơi đây có một khoảng đất rộng, bằng phẳng nên những người bạn nhỏ hàng xóm thời còn tiểu học và tôi thường tụ tập, tán gẫu, trèo lên cây hái những trái ổi nhỏ màu xanh mơn mởn và ruột màu hồng thắm, có mùi thơm nhè nhẹ và vị thật ngọt ngào. Bọn tôi thường đem theo khăn bàn cũ để trải trên thảm cỏ, ăn ổi chấm muối ớt xong lại bày ra trò chơi.

Từ nơi này, chúng tôi có thể nhìn thấy xa xa dòng sông Đa Nhim uốn khúc qua chiếc cầu sắt chảy vòng quanh thị trấn nhỏ tên Đơn Dương (còn gọi là Dran). Hình ảnh những cụm lau gầy màu trắng và màu tím nhạt dọc theo bờ sông cùng những con bê và tiếng “nghé ngọ” của nó vào những buổi chiều tà luôn khơi dậy trong tôi nỗi nhớ nhà và sự khao khát được trở về.

Quê nghèo, bạn cũ, phố xưa,
Có hàng lau tím đong đưa bên cầu.
Sông sâu, nước chảy về đâu?
Tiếng bê “nghé ngọ,” nỗi đau lạc bầy!
(LPL, Dòng Sông Tuổi Nhỏ)

Một Đơn Dương hiền hoà, dung dị ấy đã được đi vào thi ca của nhà thơ Trần Vấn Lệ trong suốt quá trình sáng tác của ông. Đặc biệt, hoa dã quỳ có một chỗ đứng rất trang trọng trong thơ ông với vẻ đẹp cao quí có sức quyến rũ lạ thường, và cố quận đã để lại trong tâm hồn thi sĩ một dấu ấn thật khó quên, bởi vì:

Với người, tôi nghĩ là hoa.
Với hoa, tôi nghĩ người là núi sông!
Quê hương, ôi đẹp vô cùng.
Câu thơ cẩm tú tôi lồng trong tranh.
(Trần Vấn Lệ.)

Tôi còn nhớ hằng năm cứ vào độ đầu đông, những bụi hoa quỳ vàng óng ả nở đầy triền núi bên đường từ phố Đơn Dương vào Lạc Thiện, ngôi làng thân yêu của tôi và là một góc nhỏ của “Quê hương, ôi đẹp vô cùng” ấy.

Trong khi hoa dã quỳ, hoa ngọc lan, và hoa mai rừng luôn gợi trong tôi hình ảnh thân thương của quê nhà thì hoa lau trắng nói riêng nhắc tôi nhớ đến một nhân vật lịch sử của nhiều thế kỷ trước, người đã dùng hoa lau làm cờ để tập trận giả khi còn là một đứa trẻ mồ côi cha sớm, phải nương tựa người chú... Người đó chính là Đinh Bộ Lĩnh hay Đinh Hoàn, khi lên ngôi là Đinh Tiên Hoàng* (chọn Hoa Lư** làm kinh đô và đặt tên nước là Đại Cồ Việt***). Người là vị hoàng đế có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn sau 1000 năm nô lệ giặc Tàu và là nguồn cảm hứng của tôi xuyên qua nhân vật Nam trong truyện Guava Hill. Tôi đã cố ý lồng kinh nghiệm tuổi thơ của tôi lớn lên trong một đất nước chiến tranh vào thế giới trẻ thơ mà tôi sáng tạo dựa trên yêú tố lịch sử dân tộc.

Và hơn nữa, trong tận cùng sâu thẳm của ký ức tôi, “câu chuyện dưới cờ” mỗi buổi sáng dưới mái trường tiểu học vẫn còn in rõ nét như mới hôm qua, và bài hát tôi đã thuộc nằm lòng vẫn còn vang vọng đâu đây mà mỗi lần nhớ đến sao nghe lòng ray rứt quá. Dạo ấy, sau khi câu chuyện dưới cờ chấm dứt với lời nhắn nhủ của Thầy hiệu trưởng, đội trưởng từng nhóm (từ lớp Năm tới lớp Nhất) lần lượt hô khẩu hiệu của nhóm mình. Mỗi khi đến lượt đội tôi, một người bạn cùng lớp hô to “Hoa Lư” là chúng tôi vừa giơ tay lên vừa la thật to, “Hùng dũng” rồi cùng hát vang trước khi bước chân vào lớp trong trật tự, nam sinh, nữ sinh, mặc đồng phục chỉnh tề đi hai hàng song song:

Anh hùng xưa
nhớ hồi là thời niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ
Quên mình là mình giúp nước
Hết sức giữ gìn non nước
Dấn thân khắp nơi nguy nan
Ngàn thu lừng danh đất Bắc
Sứ quân khắp nơi kinh hồn
Tiếng lừng nước Nam…
(Bóng Cờ Lau, của Hoàng Quý)

Vì Guava Hill được viết bằng tiếng Anh qua thể thơ tự do, trong phần dịch sang tiếng Việt, tôi có thêm, bớt một vài chi tiết để độc giả theo dõi dễ dàng hơn. Câu chuyện bắt đầu như thế này... Xin mời quí bạn đọc cùng tôi trở về vùng trời thơ ấu nhé!


*****

blank


ĐỒI ỔI


Đồi ổi phía sau căn nhà gỗ của gia đình tôi là một khu vườn cây, lá xanh tươi mà mẹ tôi đã hãnh diện gọi là “Thiên đường màu xanh” mỗi khi bà nằm võng đu đưa dưới hàng mận thoảng hương thơm nhè nhẹ từ những đoá hoa trắng như hoa lê, và đó cũng là màu xanh mượt mà của tuổi thơ rất riêng tư của bọn trẻ chúng tôi.

Nơi đó, các bạn tôi và tôi thường vây quanh cậu bé hàng xóm tên Nam, “diễn viên chính” đóng vai Đinh Bộ Lĩnh thuở còn thơ, thường lấy bông lau làm cờ khi tập trận giả với đám trẻ chăn trâu trong làng. Trong khi đó, các bạn khác và tôi hoá trang làm ngựa đi bằng “bốn chân,” với lá đa che lưng, râu bắp làm bờm và cỏ tranh làm đuôi. Vừa đi, chúng tôi vừa cười ngặt nghẽo, không bước nổi, cứ ngã chồng lên nhau. Ấy vậy, Nam vẫn ngồi thẳng trên lưng “ngựa” đi khoan thai vòng quanh đồi khiến mấy đứa con gái phải lòm còm bò dậy bước theo sau đoàn quân “thiện chiến.” (Tội nghiệp cho Việt, thằng bé to con nhất xóm, tình nguyện làm ngựa cho Nam cỡi!)

Từ lúc đó, bọn tôi thấy Nam oai quá nên gọi hắn là “anh hùng xưa” khiến hắn hừng chí, tưởng tượng mình là Đinh Bộ Lĩnh thật, dục ngựa đi mỗi lúc mỗi nhanh hơn khiến Việt la lên ơi ới. Kìa, Nam đang đuổi quân thù ra khỏi biên cương! Biên cương lúc bấy giờ là một đường ranh to tướng chính tôi vừa mới bẻ cây vạch ra gần cây hồng dẽo sum sê trái, và hễ khi ngựa đến điểm này coi như quân Tàu đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta rồi. Nam phất cao ngọn cờ lau trong gió lộng và bọn tôi quơ những nhánh hoa lau như múa kiếm trong không trong khi hát bài “Anh Hùng Xưa” thật hùng hồn trong không khí chiến thắng.

Nghỉ xả hơi một chốc, chúng tôi lấy lá chuối khoanh thành vòng tròn, gắn lên đó vài bông dã quỳ rực rỡ, rồi Việt trịnh trọng cài vòng hoa lên đầu Nam. Có lẽ để tỏ sự thích thú được tập trận tại đồi ổi sau nhà tôi nên tụi nhóc con gái bèn nối tay nhau làm “võng” khiêng tôi đi theo ngựa của Nam rồi đi vòng lại phía bên kia đồi. Các bạn còn cài cho tôi một “vương miện” gắn hoa mai rừng mà tôi ưa thích, gọi tôi “hoàng hậu”, y như cảnh trong tranh vẽ “ngựa anh đi trước, võng nàng đi sau” khi kẻ sĩ đã công thành, danh toại, về làng “vinh quy, bái tổ…”. Rồi chúng tôi còn bày đặt uống “rượu” mừng bằng nước suối đổ vào mấy cái “chung” xếp bằng lá sen!

Tôi muốn viết vài dòng về Nam, người con trai của Bác Bảy (người hàng xóm và bạn thân của ba tôi) nên Nam thường theo ba qua nhà tôi chơi. Thấy tôi hay nhìn lén mấy con cá lia thia nuôi trong mấy cái lon sữa bò của hắn, Nam tặng tôi một con cá lia thia màu tím thẫm có đuôi rất dài, đẹp mê hồn, khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh “Nàng Tiên Cá” dưới thuỷ cung trong truyện cổ tích nước ta. Sau khi mừng chiến thắng, bạn bè đi về hướng xóm trên còn tôi và Nam “xuống núi” về nhà cùng một lúc. Điểm hẹn là cái ao nước gần đó, nhưng hắn ham nói chuyện rồi quên bẵng đi, làm tôi cứ đứng đó chờ. Vừa sợ, vừa tức, tôi quăng bị cá xuống ao cho hả giận. Trong khi cá bơi lơ lửng, ẻo lả khoe cái đuôi dài thần thoại, bụng tôi bắt đầu đánh lô tô…

Ngày hôm sau, vào giờ ra chơi hắn rượt theo tôi quanh sân trường vì tôi ráng chạy thật nhanh làm như không thấy hắn. Thình lình, tôi nghe như có vật gì mới rơi cái “thịch” xuống đất. Thì ra đó là một trái ổi chín Nam mới hái để dành cho tôi vừa tuột khỏi bàn tay hắn. Dừng lại, nhìn thấy tay Nam vẫn còn hơi run, tôi quay mặt đi chỗ khác để tránh ánh mắt buồn hiu của hắn. Hôm ấy bọn tôi được tan trường sớm vì thầy cô bận họp với phụ huynh học sinh. Nam rủ tôi ghé ngang ngôi chùa trên xóm núi. Tôi không trả lời nhưng chân vẫn bước đi về hướng đó.

Cuối cùng, chúng tôi lén chui vào một căn phòng nhỏ phía sau bụi trúc, nơi những vị sư mặc áo vàng đang tụng kinh, Nam cầm một cây nhang, nói nhỏ vào tai tôi, “Nếu trò không nói chuyện với tui, Phật sẽ không chứng cho lời khấn vái của trò đâu nhé!” Thoáng nhìn xuống những đoá sen trắng in trên tấm thảm màu tím nhạt, tôi ráng nín cười khi bàn chân trần, hồng hào như chân của một em bé đập vào mắt tôi. Thử hỏi làm sao tôi có thể ghét người bạn nhỏ ngây thơ, vô tội này?

Hôm đó, chúng tôi vào tu viện để lạy Phật. Bỗng dưng, một luồng khói nhỏ không biết từ đâu toả ra. Một vị sư già trong chiếc áo nâu sòng từ phòng sau hối hả chạy ra. Khi sư cụ nhìn thấy vài tia lửa bắn lên trên sàn nhà, chuỗi hạt người đang cầm trong đôi tay nhăn nheo bỗng rơi xuống đất.

“Nam Mô A Di Đà Phật!”. Vị sư vừa niệm vừa lấy nước trong các bình hoa lan trên bàn thờ Phật rắc lên thảm, dập tắt ngọn lửa vừa mới bén. Nhìn xuống cộng nhang nằm bên cạnh chân Nam, tôi đoán biết thủ phạm suýt gây ra hoả hoạn là ai rồi!

Chúng tôi bước theo chân nhà sư vào thư viện chưng đầy sách, báo về Thiền học. Vào lứa tuổi lên 10, Nam dám đánh bạo hỏi, “Làm thế nào để đến con đường tỉnh thức, bạch Thầy?” Nhà sư trả lời với giọng nói thật ôn tồn, nhỏ nhẹ, “Biết hỏi như vậy là con đang đi đúng hướng rồi đó con ạ.” Mắt Nam bỗng sáng rực lên khi hắn tưởng tượng đến con đường “giác ngộ” mà hắn được nghe mỗi khi theo mẹ lên chùa.

Có những buổi chiều xa xưa ấy chúng tôi đã hái hoa ngọc lan ở cổng chùa. Và chiều nay, sau nhiều năm xa cách với biết bao “vật đổi, sao dời”, một mình tôi trở lại nơi này. Tự tay ngắt những chùm hoa trắng nhỏ, xinh tươi, tôi đốt hương trầm và nguyện cầu cho Nam, cho tất cả bạn bè, thân hữu, cho những ai còn sống sót sau cuộc chiến dài triền miên trên đất nước tôi và những ai không được may mắn. Rồi bỗng nhiên, tôi nghe tiếng chuông chùa vang vọng...

Tôi nghĩ bao nhiêu thế kỷ đã trôi qua và tự hỏi có phải cũng tiếng chuông chùa này đã từng ngân nga vào mỗi sáng tinh sương và mỗi khi chiều xuống trên mảnh đất quê hương yêu dấu của tôi?


*****

Tại sao xuất hiện Truyện Nhi Đồng?

Việt Nam có cả một kho tàng văn chương bình dân vô cùng phong phú, trong đó có truyện cổ tích (thần thoại, huyền thoai, lịch sử) được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và đã trở thành một phần trong nếp sống văn hoá của dân tộc ta. Trong một lần được mời thuyết trình về tập thơ đầu tay của tôi, Gió Thổi Phương Nào/From where The Wind Blows (do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại xuất bản, 2003), trong lớp “Vietnamese Literature” tại trường Đại học Yale, vị giáo sư đã có nhã ý khuyến khích tôi sưu tầm về truyện cổ Việt Nam để giới thiệu đến sinh viên và độc giả ở Mỹ cũng như bất cứ ai muốn tìm đọc. Ấy vậy, mãi đến khi “về hưu non” tôi mới có dịp thực hiện một cách rất khiêm tốn phần nào lời khuyên quí báu đó.

Còn gì ngọt ngào, trìu mến hơn lời mẹ Việt Nam ru con trên những chiếc võng đưa vào những buổi trưa hè? Nhớ làm sao những câu chuyện cổ tích do bà ngoại tôi kể khi các cháu ngồi quanh bếp than hồng với ánh lửa bập bùng, tí tách reo vui! (Trong khi đó, nước Mỹ cũng có một truyền thống rất hay là mỗi đêm cha mẹ thường đọc truyện cho con nghe trước giờ đi ngủ.)

Khi đặt bút viết truyện Guava Hill, dù một câu chuyện phần nhiều là hư cấu, tôi hi vọng độc giả ở mọi lứa tuổi nói chung có thể tìm lại những đam mê tuổi trẻ, mặc dù có thể họ không thích đi vòng quanh chùa làng để hái hoa ngọc lan về gội đầu, cài lên tóc, hoặc để trên bàn học như tôi những ngày còn thơ! Chủ đích của tôi là gợi trí tò mò của trẻ em Việt sinh ra và lớn lên ở hải ngoại về một nhân vật lịch sử Việt Nam để từ đó biết tỏ lòng tôn kính và tri ân những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Câu châm ngôn “Tổ quốc trên hết” được treo trên tường, chính giữa lớp học ngày nào còn in sâu trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ khi đọc đến một câu văn trong bài Sử ký lớp Ba về vua Quang Trung “…Nhưng công việc chưa thành thì nhà vua băng hà,” tôi đã bật khóc (và bây giờ không còn nhớ dự định của vua lúc đó là gì).

Tình yêu tổ quốc ấy trong mỗi người Việt Nam chúng ta được gắn liền với sự nhớ ơn công đức tiền nhân! Đến thời dạy môn Quốc Văn tại các trường trung học ở miền Nam Việt Nam trước 1975, mỗi khi giảng sơ lược về thời điểm lịch sử từ đó một tác phẩm văn học được ra đời, tôi thường rưng rưng nước mắt, đúng như lời nhận xét của một cựu học sinh ghi trên trang nhật ký lớp 10 mà em ấy mới tìm lại được và gửi tặng tôi, “…Em thấy trong mắt cô có một cái gì tha thiết lắm khi nói đến điều đó…” và em ấy nói đùa với tôi qua điện thoại “đó là đôi mắt người cao nguyên!”

Cho đến bây giờ, hơn bốn thập niên qua, mỗi khi chào lá Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà trong những dịp lễ, lòng tôi lại dâng lên một niềm cảm xúc thật khó tả! Phải chăng đó là tình yêu Quê hương, Tổ quốc, và sự hãnh diện về Lịch sử oai hùng của Dân tộc Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến!


Lê Phạm Lê


Ghi Chú:

*Đinh Bộ Lĩnh—Đinh Hoàn/Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968 - 979)

**Hoa Lư: Kinh đô của 3 triều đại - Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và Nhà Lý

***Đại Cồ Việt: Quốc hiệu do vua Đinh Tiên Hoàng đặt.