Sunday, 9 October 2016

CHUYỆN VỀ CÁI PHONG BÌ




CHUYỆN VỀ CÁI PHONG BÌ

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc gửi thư truyền thống qua bưu điện đã giảm đi rất nhiều. Nhưng không hiểu sao loại phong bì in hình máy bay có đường viền xanh đỏ vẫn được bày bán rất nhiều ở khắp nơi. Chẳng lẽ người ta vẫn gửi thư nhiều đến thế?                                   

Mấy người bạn ngồi nói chuyện với nhau. Một người hỏi:
- Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, muốn nhắn tin hay gửi thư cho nhau, người ta thường dùng điện thoại di động hay lên mạng internet vào các hộp thư điện tử, e-mail là đến ngay, cực kỳ thuận lợi. Do vậy, việc gửi thư qua hệ thống bưu điện đã giảm đi rất nhiều, ít người dùng lắm. Nhưng không hiểu sao loại phong bì in hình máy bay có đường viền xanh đỏ vẫn được bày bán rất nhiều ở khắp nơi, chỗ nào cũng có. Chẳng lẽ người ta vẫn gửi thư nhiều thế?
- Ai cũng hiểu sao chỉ mình ông… cố tình không hiểu? Chiếc phong bì như ông nói bây giờ không chỉ để gửi thư nữa mà chuyển sang dùng… đựng tiền! Đựng tiền mừng, tiền chia buồn, tiền hội nghị... đặc biệt là đựng tiền biếu xén, đút lót, hối lộ phải đúng loại phong bì này mới yên tâm!
- Thế đựng loại phong bì khác không yên tâm à? Tôi tưởng quan trọng là số tiền ở “trỏng”?
- Đúng thế! Có chuyện một ông công tác ở tòa án tỉnh, sẵn “cây nhà lá vườn” lấy ngay chiếc phong bì công vụ có in cả hình quốc huy, tưởng là để cho oai và trịnh trọng, đến xin học cho con tại trường điểm. Khi nhận phong bì, ông hiệu trưởng bỗng tái mặt, suýt tụt huyết áp!
- Hà! Hà! Nếu ông hiệu trưởng mà nhận phong bì công vụ của cơ quan cảnh sát điều tra, cảnh sát hình sự thì không biết sẽ “tai biến” như thế nào nữa!...
Dứt tiếng cười, người này nói:
- Phong bì là bì để bọc thư, giấy tờ. Hay nói cách khác, phong bì là cái dùng để đưa thư. Trước kia người ta đưa tin bằng cách đốt lửa từ đống này sang đống khác, dùng khói làm ám hiệu. Lại có giai đoạn người ta dùng ngựa trạm. Mãi về sau mới có phong bì, có tem thư. Đây thực sự là phát kiến lớn của con người trong xã hội văn minh. Nhưng ngày nay, phong bì đã bị sử dụng vào với mục đích khác. Con người “tha hóa” nó cho những vụ lợi của mình, chứ phong bì không có “tội” gì cả!
- Khách quan mà nói, ngày nay phong bì đã trở thành phổ biến trong mối quan hệ ứng xử. “Văn hóa phong bì” đã trở thành nét riêng ở Việt Nam hiện diện trong muôn mặt của cuộc sống, phong bì mừng đám cưới, chia buồn đám ma, đến phong bì trong các cuộc hội họp, ký kết, khai trương, khánh thành… Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng phong bì thư như một chiến lược Marketing. Khi doanh nghiệp gửi cho khách hàng những thông tin, tài liệu, nó có thể tăng cường những nỗ lực và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Phong bì còn chứa đựng rất nhiều những nhân tố tác động đến khách hàng và quyết định lựa chọn mua hàng của họ.
- Như thế là phong bì cũng có mặt tích cực ?
- Tích cực hay tiêu cực là do con người. Chính xác hơn là do người sử dụng phong bì. Ngay trong việc vụ lợi, nếu không có người đưa phong bì thì lấy đâu ra kẻ nhận, phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”…
- Nhưng “kỷ” không muốn móc hầu bao mà “nhân” cứ bắt “kỷ” đưa thì làm sao? Ông có phải làm dự án hoặc đi xin việc hay cầu cạnh người khác bao giờ chưa? Nếu có chắc ông sẽ không nói như vậy.
- Có một nhà văn đã ví von rất hay rằng: Xưa, phong bì như cánh chim báo tin vui. Nay, nó cứ dần bị mai một đi. Xưa là cái ruột tinh khiết, nồng nàn yêu thương thì nay nó lại ngầu đục, mang đầy tính mục đích, thực dụng. Người ta biến phong bì thành thứ tiếp cận quyền lực, tiếp cận học đường, kể cả tiếp cận tình yêu…
- Thực tế, có những người “chân chất” mà cũng thốt ra rằng: “Đi họp mà không có phong bì cũng…. bâng khuâng, trống vắng”! 
- Tôi lại thấy có người nhận phong bì vừa khoái vừa… đề phòng người đưa!
- Tôi thì thấy có trường hợp người đưa phong bì dù tốn tiền mà lại vui, còn người nhận tất nhiên vui, cũng có khi buồn vì… phong bì quá mỏng!
- Có nhà kinh tế cho rằng, văn hóa phong bì đã bào mòn môi trường kinh doanh. Phong bì mà có "miệng" thì nhiều người phải hầu tòa. Rất có thể như thế lắm! Xã hội phát triển, hình thức phong bì cũng phát triển theo nhưng chỉ là tầng thấp, chúng ta có thể nhìn thấy được. Còn những cái vô hình ở tầng cao thì khó thấy. Ở tầng thấp thì phong bì từ một vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, xịn hơn thì vài trăm hay vài nghìn đô la Mỹ, để trong túi quà, dúi vào túi áo, đưa dưới gầm bàn, kẹp vào tài liệu… Còn ở tầng cao, hiện đại hơn thì người ta chuyển vào tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, bất động sản, biệt thự, xe hơi… Quyền năng của “đại phong bì” này lớn lắm nên dù cấm, nó vẫn luôn tìm cách để luồn lách, vượt qua mọi ngả đường để tới tay kẻ nhận!
- Vậy có cách nào để hạn chế “vấn nạn phong bì”?
- “Nói không với phong bì”, nói thì dễ nhưng làm được thì không dễ. Nếu như có những quy định, chế tài khắt khe và cụ thể cũng như sự giáo dục về đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ đẩy lùi được vấn nạn phong bì. Cần phải xây dựng hàng rào pháp lý thật chặt chẽ để vấn nạn phong bì hạn chế ở mức thấp nhất, phải xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Nói chung, đây là một việc làm không đơn giản chút nào!
- Đúng vậy! Chuyện về chiếc phong bì còn phải nói dài dài và lai rai!...

Đặng Việt Thủy